Xử lý Gas giả lũng đoạn: Cần giải pháp căn cơ - Kỳ II

 Nguyễn Hải

 PV
 07:58 SA @ Thứ Hai - 29 Tháng Chín, 2014

Tình trạng sang chiết gas trái phép, nhái thương hiệu gas nổi tiếng đều bắt nguồn từ lợi nhuận “khủng” mà các đối tượng làm ăn phi pháp kiếm được. Bên cạnh đó, những kẽ hở từ cơ chế, chính sách cũng là nguyên nhân không nhỏ.

Trạm sang chiết gas quy mô, an toàn cần được nhân rộng

Trạm sang chiết gas quy mô, an toàn cần được nhân rộng

CôngThương - Kỳ II:Hướng tới thị trường gas “sạch”

Lấp “lỗ hổng” từ chính sách

Bên cạnh các mặt tích cực, sau gần 5 năm áp dụng, Nghị định 107/2009/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tế. Cụ thể: Nghị định chưa có những quy định kiểm soát, quản lý chặt chẽ thương nhân phân phối LPG cấp I. Đây là đối tượng có nhiều tác động đến biến động của thị trường. Ngoài ra, các quy định và hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với các thiết bị phụ trợ liên quan đến vận hành và sử dụng LPG về chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật an toàn, nguồn gốc xuất xứ như: bếp gas, ống dẫn… chưa cụ thể. Việc xây mới và cấp phép đối với các trạm chiết nạp LPG của các doanh nghiệp nhỏ mới thành lập chưa chặt chẽ đã khiến tình hình sang chiết gas trái phép càng trở nên phổ biến.

Ông Nguyễn Trọng Tín – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - cho biết, nhiều địa phương chưa quy hoạch phát triển cơ sở kinh doanh LPG theo quy định tại Khoản 3, Điều 5, Nghị định 107. Do đó, nhiều cửa hàng kinh doanh LPG nằm trong ngõ ngách, khu đông dân cư, ảnh hưởng đến an toàn phòng chống cháy nổ, đồng thời là địa chỉ thuận lợi để sang chiết gas trái phép. Ngoài ra, việc đăng ký hệ thống phân phối với Sở Công Thương của các doanh nghiệp kinh doanh LPG chưa thực hiện đầy đủ và thường xuyên nên khó trong việc theo dõi, quản lý.

Cùng với việc sửa đổi cơ chế, chính sách, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; nâng cao vai trò hiệp hội và doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về kinh doanh LPG tới doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Rà soát lại cơ chế

Nhằm chặn đứng hoạt động kinh doanh gas trái phép, hướng tới thị trường gas “sạch”, an toàn, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thì cơ chế, chính sách cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo ông Nguyễn Trọng Tín, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần lập quy hoạch phát triển cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt theo quy định của Nghị định 107. Sở Công Thương các tỉnh rà soát quy hoạch kinh doanh LPG, tăng cường theo dõi việc đăng ký và quản lý hệ thống phân phối của các doanh nghiệp kinh doanh gas trên địa bàn.

Theo ông Đoàn Trọng Thà – Hiệp hội gas Việt Nam, Nghị định 107 đã ban hành và đi vào cuộc sống 5 năm, có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh. Ông Thà kiến nghị cần xem xét, đánh giá để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 107. Ngoài ra, rà soát tổng thể các quy định của pháp luật nhằm xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tiễn và có hướng xử lý phù hợp trong điều kiện Việt Nam hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới.

Việc sửa đổi Nghị định 107 cần theo hướng quy định việc kiểm tra, kiểm soát đối với thương nhân phân phối gas cấp I. Thương nhân đầu mối phải chịu trách nhiệm về hoạt động của trạm chiết, nạp mà mình thuê. Trạm chiết nạp phải đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu chiết nạp cũng như các loại nhãn hàng được phép chiết nạp. Đặc biệt, cấp phép trạm chiết nạp tập trung, không nên để các địa phương cấp phép, quản lý như hiện nay.