Về với “Ngôi nhà chung” của liệt sĩ và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

 Phạm Thế Dũng

 Giám đốc CN Nhà máy LPG Đà Nẵng
 01:44 CH @ Thứ Năm - 02 Tháng Bảy, 2015

Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", đoàn cán bộ công nhân viên (CBCNV) Chi nhánh Tổng Công ty Gas Petrolimex - Nhà máy LPG Đà Nẵng vượt hơn 190 cây số đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.

Quảng Trị chiều một ngày cuối tháng 6 đầy nắng. Càng gần đến ngày 27.7, các tuyến đường dẫn về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (thuộc khu Bến Tắt, xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) - nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ, trở nên tấp nập hơn. Và khi đến đoạn đường nối từ đường Trường Sơn Đông vào nghĩa trang, tất cả xe cộ đều chạy chậm, không nhấn còi, không vượt lên nhau, nhiều chiếc dừng từ ngoài xa để mọi người chuẩn bị nhang đèn, hoa tươi và chỉnh đốn trang phục để vào viếng Nghĩa trang.

Trước một màu trắng mênh mông tưởng như vô tận của những tấm bia mộ giữa núi rừng Trường Sơn của hơn một vạn con người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mỗi người một tâm trạng, một cảm xúc. Nhưng trên nét mặt của mỗi cán bộ, công nhân viên Nhà máy LPG Đà Nẵng khi đứng trước những nấm mộ thanh xuân và trinh nguyên như những hạt giống tốt gieo vào tầng đất phù sa chưa kịp nảy mầm ấy vẫn không giấu nổi cảm xúc rưng rưng nghẹn ngào...

Những nấm mộ nằm san sát với một màu trắng mênh mang trải dài tít tắp đều là những cô gái, chàng trai vừa mười tám đôi mươi đã anh dũng hi sinh trong suốt 6.000 ngày đêm khai mở, giữ vững và phát triển con đường Trường Sơn huyền thoại. Họ đã sẵn sàng hi sinh máu xương, tuổi trẻ để giành lại tự do cho dân tộc. Bao nhiêu điều hiện hữu trước mắt khiến chúng tôi không khỏi nghẹn lòng và càng thấu hiểu thêm về giá trị của hòa bình, độc lập.

Chiến tranh vừa kết thúc, để tưởng nhớ công lao của đồng chí, đồng đội thân yêu, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị. Và khu đồi Bến Tắt, nơi thượng nguồn sông Bến Hải, được chính vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên chọn làm chốn an nghỉ vĩnh hằng của các liệt sĩ. Nghĩa trang chính thức được khởi công vào ngày 24.10.1975 và hoàn thành vào ngày 10.4.1977 với sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Đoàn 559, sự tham gia của hơn 40 đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Và rồi, mảnh đất này đã là nơi trở về của hàng ngàn liệt sĩ từ những chiến trường Đông-Tây Trường Sơn, từ đất nước Triệu Voi và quê hương Chùa Tháp trên con đường mòn huyền thoại. Các chị, các anh là những người con ưu tú của Đông Bắc, Tây Bắc vùng quê sơn cước; của châu thổ sông Hồng trĩu nặng phù sa; của Khu 4, Khu 5 anh dũng, mặn mà; của Tây Nguyên kiêu hùng hay tận trời Nam ngọt ngào của Tổ quốc. Sau cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, họ cùng về đây, nằm kề bên nhau dưới lòng đất mẹ như cái thuở ở chiến trường.

Thời gian trôi qua, cùng với sự vươn mình đổi thay của đất nước, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn qua 3 lần tôn tạo, trùng tu và nâng cấp đã ngang tầm với một nghĩa trang cấp quốc gia, trở thành một công trình của tâm linh văn hóa, một minh chứng bi hùng của cuộc chiến tranh cách mạng dân tộc thế kỷ XX.

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, khu trồng cây xanh 60.000m2, khu hồ cảnh 35.000m2 và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang 15.000m2. Trong nghĩa trang, các phần mộ được sắp xếp chia thành 10 khu vực theo địa phương, theo nơi sinh của các liệt sĩ và khu dành riêng cho 68 liệt sĩ vô danh. Đến ngày 19.5.1999, nghĩa trang Trường Sơn đã được nâng cấp, tôn tạo lại. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn hiện có 24 cán bộ, nhân viên thường xuyên chăm lo việc coi sóc, tu bổ và tiếp đón các gia đình liệt sỹ, các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm viếng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 20 đoàn khách, đó là chưa kể những nhóm khách đơn lẻ đến viếng nghĩa trang. Ban đêm, các thành viên thay nhau tuần tra, ban ngày thường xuyên chăm sóc bồn hoa, cây cảnh, rừng xanh, làm vệ sinh toàn bộ khuôn viên rộng gần 40 ha. Mỗi năm một lần, các anh chị cọ sạch rong rêu trên bia mộ, thay cát trong bát hương của 10.263 liệt sỹ (trong đó khoảng 80% hy sinh ở lứa tuổi 18 đến 22).

Khu trung tâm nghĩa trang nằm ở vị trí cao nhất của ngọn đồi khoảng 32,4m với đài tưởng niệm (đài Tổ quốc ghi công) bằng đá trắng cao vút uy nghiêm, khuyết ba mặt. Ngay phía sau đài tưởng niệm là cây bồ đề với chiều cao tương đương tỏa bóng mát làm gợi lên mối liên hệ giữa mất mát trường tồn bất diệt cũng như quá khứ và tương lai. Được biết, cây bồ đề tự mọc chứ không do con người trồng. Sau khi nghĩa trang khánh thành được sáu tháng (tháng 10.1977), cây bồ đề mọc lên ngay vị trí sau đài tưởng niệm và phát triển đến bây giờ. Mộ liệt sĩ trong nghĩa trang được sắp xếp theo từng khu vực của tỉnh, thành phố, trải dài trên năm ngọn đồi nhỏ nằm liên tiếp trên quả đồi lớn. Khu mộ liệt sĩ của mỗi tỉnh, thành đều có nhà tưởng niệm riêng với nét kiến trúc đặc trưng của mỗi vùng. Màu trắng của những dãy mộ liên tiếp xen lẫn vào màu xanh của những cánh rừng thông tĩnh lặng cùng làn khói hương bay lãng đãng làm không khí trong nghĩa trang càng trở nên huyền hoặc, tôn nghiêm hơn!

Nhà Thơ Nguyễn Quốc Tuấn trong bài thơ của mình “Viếng Nghĩa trang Trường Sơn” đã đã so sánh:

Những ngôi mộ ngang dọc thẳng hàng

Như đội ngũ trước giờ ra chiến dịch

Vẫn vững bước suốt dải Trường Sơn

Dọc chiều dài đất nước.

Khi đi một vòng quanh nghĩa trang lúc xế chiều, chúng tôi vẫn còn gặp nhiều đoàn khách đến đây thắp nhang. Theo thống kê của Ban quản lý nghĩa trang, trung bình mỗi năm, nghĩa trang đón khoảng 500 ngàn lượt người đến thăm viếng (chưa kể khách tự do). Giữa không gian rộng lớn tĩnh lặng, những đoàn người cứ nối nhau đi trong trầm mặc, trang nghiêm, cùng kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ. Họ là những cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, thổn thức ký ức Trường Sơn cùng đồng đội; là những người cha, người mẹ, anh chị em, đến đây để tìm lại bóng dáng người thân yêu.

Phần đông người về với nghĩa trang thuộc thế hệ trẻ, họ đến để bày tỏ lòng tri ân với các chiến sĩ quả cảm đã ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của cha ông vẫn hàng ngày, hàng giờ hiện hữu nơi nghĩa trang này. Ngày hôm nay, đoàn CBCNV Nhà máy LPG Đà Nẵng chúng tôi gồm 34 người về thăm đường Trường Sơn huyền thoại và nghĩa trang. Khi đến đây, mọi người trong đoàn đều xúc động, tự hào và biết ơn công lao trời biển của các anh hùng liệt sĩ, biết trân quý hai chữ hòa bình.

Hoàng hôn cùng ráng chiều đỏ dần buông xuống nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Những nén nhang trên các phần mộ trắng xóa của các anh hùng liệt sĩ gặp gió bỗng lóe sáng lên như nhắc đến những người còn sống hãy nhớ đến quá khứ hào hùng, oanh liệt đã qua để xây dựng đất nước tương lai ngày càng giàu đẹp hơn. Một lần đến viếng mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn làm chúng tôi đồng cảm hơn với tứ thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi:

Đất nước của những người không bao giờ khuất,

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất,

Những buổi ngày xưa vọng nói về.

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn ngày nay đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nơi suy tôn tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Chúng tôi cùng đoàn người rời nghĩa trang trong niềm xúc động lan tỏa. Công lao các anh, các chị đã mãi tạc sâu vào dãy núi Trường Sơn. Xin mượn mấy lời thơ trong bài “Lời ru Trường Sơn” của thi sĩ Hoàng Cẩm Giang thay cho lời kết: “…Anh cứ ngủ yên giấc nghe anh. Khoảng trời xưa bốn mùa êm dịu nắng… Trường Sơn thương anh nên rừng lá đỏ. Và mây lặng im, mây trắng đến bây giờ…”.

Một số hình ảnh của buổi viếng thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn:

Nguồn:   PGC