Nguyễn Hải
Từ lâu nay, hoạt động sang chiết trái phép, làm giả thương hiệu gas nổi tiếng gây bức xúc trong dư luận, làm “đau đầu” các cơ quan chức năng. Vấn nạn này không những gây thất thu cho ngân sách, ảnh hưởng đến DN làm ăn chân chính mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người tiêu dùng.
CôngThương - Kỳ I:Hàng loạt vi phạm bị phanh phui
Ngày 20/8, Cục Quản lý thị trường (QLTT) – Bộ Công Thương phối hợp với Phòng 8, C46, Bộ Công an tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Năng lượng Đất Việt (thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình), phát hiện doanh nghiệp này đang sang chiết gas trái phép. Lực lượng chức năng thu giữ tổng số bình gas tại công ty mang 20 nhãn hiệu, thương hiệu khác nhau với 2.476 vỏ, 188 bình gas thành phẩm.
Ngày 21/8, Công an kinh tế phối hợp cùng lực lượng QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh gas của Công ty TNHH năng lượng Đất Việt (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, công ty này đang chiết nạp gas trái phép vào các vỏ bình gas mang nhiều nhãn hiệu khác nhau như:
Hồng Hà, Venus, Total, Shell... Kiểm đếm có tổng cộng 3.000 vỏ bình gas mang hơn 10 nhãn hiệu khác nhau.
Cũng mới đây, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Trị đã xử phạt vi phạm hành chính Chi nhánh Công ty CP đầu tư và sản xuất Petro miền Trung 55 triệu đồng vì có hành vi “chiếm giữ trái phép, mua, bán, trao đổi, lưu giữ chai LPG không thuộc sở hữu”. Nguyên nhân do doanh nghiệp này chiếm giữ 127 vỏ bình gas của các hãng Petrolimex, VT gas, Total gaz, Elf gaz, MT Petro, Hanoi Petro.
Hiện có khoảng trên 20 triệu vỏ bình gas với rất nhiều thương hiệu, nhãn hiệu khác nhau đang được lưu hành trên thị trường. Hoạt động sang chiết gas trái phép thường tổ chức tại các địa điểm khó phát hiện, thậm chí, đối tượng vi phạm thuê nhà tại các khu nhà trọ, khi hoạt động thì đóng cửa phòng trọ, sang chiết xong có người mang đi tiêu thụ ngay để xóa dấu vết. |
Trước đó, công an điều tra kết hợp lực lượng QLTT tỉnh Long An bất ngờ kiểm tra cơ sở chiết nạp gas Hoàng Linh, bắt giữ hơn 1.000 bình gas chiết nạp trái phép không chứng minh được giấy tờ xuất xứ hàng hóa. Đầu năm 2014, Chi cục QLTT TP. Đà Nẵng phối hợp với PC46- Công an TP. Đà Nẵng kiểm tra kho của Công ty TNHH TMDV Anh Bửu, phát hiện hơn 1.300 vỏ bình gas loại 12 kg nghi là để sang chiết gas lậu.
Hoạt động sang chiết gas trái phép không chỉ gây hại cho việc kinh doanh của các hãng gas có tên tuổi và làm ăn trung thực mà còn dẫn tới với những vụ nổ bình gas, gây hỏa hoạn và thương vong cho người sử dụng.
Theo ông Nguyễn Trọng Tín – Phó Cục trưởng Cục QLTT: Các đối tượng vi phạm thường chiếm dụng vỏ bình để sang chiết gas, sau đó dán tem, nhãn, màng co, tem niêm phong có in, gắn logo, nhãn hiệu của các doanh nghiệp gas uy tín mang đi tiêu thụ.
Đáng lo hơn, một số đối tượng sau khi chiếm dụng vỏ bình của các doanh nghiệp gas khác đã cắt phần quai xách, mài vỏ để làm mất phần chữ in nổi trên vỏ bình, sau đó hàn và sơn lại để gắn nhãn hiệu khác lên vỏ bình. Đây là hành vi rất nguy hiểm khiến vỏ bình gas bị thay đổi kết cấu, vỏ sẽ mỏng hơn dễ dẫn đến hư hỏng, rò rỉ gas. Đồng tình với quan điểm này, ông Đoàn Trọng Thà- Hiệp hội Gas Việt Nam - khẳng định, vấn nạn sang chiết, thu gom chiếm dụng bình đang diễn ra phức tạp, uy hiếp tính mạng người tiêu dùng.
Kỳ II:Hướng tới thị trường gas “sạch”