Ông Trần Ngọc Năm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam: “Công khai, minh bạch giá xăng dầu: truyền thông phải chủ động, đúng lúc"

 PV

 10:02 SA @ Thứ Hai - 28 Tháng Tư, 2014

Chỉ thị số 11/CT-BCT về tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu được ông Trần Ngọc Năm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhận định là một Chỉ thị kịp thời, đúng đắn, phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp, đông đảo người tiêu dùng, công chúng và xã hội.

Minh bạch xăng dầu đã và đang được thực hiện

Phóng viên: Yêu cầu về minh bạch, công khai các yếu tố cấu thành giá xăng dầu đã được Chính phủ cùng bộ ngành liên quan đặt ra từ nhiều năm qua và trên thực tế yêu cầu này cũng đã thực hiện ở mức nhất định. Theo ông, Chỉ thị số 11/CT-BCT của Bộ Công Thương ra ngày 22/4/2014 có tác động tích cực nhằm tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch giá xăng dầu?

Ông Trần Ngọc Năm: Đúng vậy. Minh bạch xăng dầu đã được đặt ra và hiện nay vẫn đang được thực hiện. Và Chỉ thị số 11/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương là để tăng cường hơn nữa việc công khai, minh bạch đối với điện và xăng dầu. Hơn nữa, đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, cũng là mong muốn của doanh nghiệp, nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng, công chúng và xã hội.

Ông Trần Ngọc Năm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)

Tôi tin rằng, Chỉ thị số 11/CT-BCT sẽ không chỉ tác động tích cực đến câu chuyện công khai, minh bạch xăng dầu mà còn tác động đến các loại hàng hoá khác có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người tiêu dùng.

Phóng viên: Theo Chỉ thị số 11/CT-BCT thì Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phải công bố cụ thể thông tin về thị trường xăng dầu như giá xăng dầu thế giới, danh sách doanh nghiệp đầu mối, thị phần kinh doanh xăng dầu, giá bán lẻ của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cũng như minh bạch mức giá cơ sở… cũng như kết quả kinh doanh, v.v… Vậy ông đánh giá như thế nào về điều này?

Ông Trần Ngọc Năm: Điều này được nêu tại Mục 2 của Chỉ thị số 11/CT-BCT. Mục này nêu 2 chủ thể thực hiện các nội dung liên quan đến tuyên truyền, công bố và công khai, bao gồm Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, cần bàn cụ thể về các nội dung này sẽ nằm ở thẩm quyền của chủ thể nào thực hiện.

Tôi lấy ví dụ như việc công bố “danh sách các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối” chẳng hạn. Cái này sẽ thuộc Bộ Công Thương, bởi bản thân Petrolimex cũng là 1 trong 20 doanh nghiệp đầu mối do Bộ Công Thương trực tiếp quản lý. Các nội dung khác như: thị phần, giá bán lẻ xăng dầu… của các doanh nghiệp đầu mối cũng như vậy.

Điều chỉnh giá xăng dầu dựa trên cơ sở biến động của giá xăng dầu thế giới

Phóng viên: Chính phủ đã xác định xăng dầu đã và đang định hướng theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, thực tế giá xăng dầu vẫn phải bán “dưới giá thành” cho một số hộ sản xuất lớn và hiện còn mang tính bao cấp. Theo ông, hiện nay giá cả “thị trường” ở mức nào, xu hướng, lộ trình sẽ tiếp tục điều chỉnh ra sao?

Ông Trần Ngọc Năm: Từ khi áp dụng Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đến nay, tôi nghĩ rằng, chúng ta không còn khái niệm “bao cấp”. Nhà nước đã không còn bù lỗ xăng dầu nữa. Việc bán cho các hộ công nghiệp với giá khác nhau điều này là hoàn toàn bình thường bởi giá cả phụ thuộc loại hàng mua (chất lượng), thời điểm mua, số lượng mua, phương thức giao nhận hàng và thanh toán; và trên thực tế giá bán cho các đối tượng này thông thường phải thấp hơn giá bán lẻ tại cửa hàng xăng dầu.

Có thể nói, đây là câu chuyện cụ thể. Vì vậy cần phải đưa ra từng trường hợp cụ thể mới có thể đánh giá kĩ càng được.

Như đã biết, chúng ta thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Vì thế, câu chuyện tiếp theo chắc chắn vẫn đi theo hướng này. Lộ trình và các vấn đề cụ thể có lẽ sẽ được qui định cụ thể hơn trong Nghị định mới của Chính phủ (thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP) trong thời gian tới.

Ông Trần Ngọc Năm cho rằng, giá xăng dầu đang được điều hành theo Nghị định 84, các mục tiêu kinh tế vĩ mô và bảo đảm hài hòa 3 lợi ích “Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng”.

Phóng viên: Thời gian qua, trong mỗi lần điều chỉnh giá, dư luận có ý kiến nhiều về việc “hoa hồng cho đại lý xăng dầu” hay về “lương cao, lãi khủng” của các doanh nghiệp xăng dầu. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?

Ông Trần Ngọc Năm:Đúng là báo chí có đề cập tới vấn đề này với các tiêu đề như vậy. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những bài báo phỏng vấn các nhân vật có trách nhiệm, ví dụ như các bài viết với nội dung nhìn nhận đúng bản chất hình thành của giá xăng dầu chẳng hạn. Cao hay thấp, nhiều hay ít phải nhìn vào các vật chuẩn.

Quan điểm của tôi là: Chúng tôi sẽ chủ động đẩy mạnh hơn nữa về công tác truyền thông, cụ thể là tại website của Tập đoàn tại địa chỉ www.petrolimex.com.vn nhằm cung cấp nhiều hơn nữa thông tin về Petrolimex để các cổ đông, khách hàng, công chúng và xã hội tiếp cận với các thông tin chính thức, chính thống của Petrolimex.

Phóng viên: Việc điều chỉnh giá xăng, dầu vừa qua có phải là một động thái của doanh nghiệp nhằm tránh gia tăng việc buôn lậu xăng dầu đang diễn ra nhức nhối trong thời gian vừa rồi không thưa ông?

Ông Trần Ngọc Năm: Việc điều chỉnh giá xăng dầu của chúng ta hiện nay vẫn do Liên bộ Tài Chính - Công Thương trực tiếp điều hành trên cơ sở biến động của giá xăng dầu thế giới. Giá xăng dầu đang được điều hành theo đúng các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, các mục tiêu kinh tế vĩ mô và bảo đảm hài hòa 3 lợi ích “Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng”.

Phóng viên: Thời gian tới, Tập đoàn dự kiến sẽ triển khai thực hiện Chỉ thị này như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Năm: Petrolimex đang nghiên cứu Chỉ thị số 11/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương để xác định rõ cần phải bổ sung những công việc gì, làm như thế nào. Sau khi xem xét kỹ chúng tôi sẽ triển khai ngay. Hiện tại, nhiều nội dung của Chỉ thị số 11/CT-BCT chúng tôi đã và đang làm rồi. Quan điểm của Petrolimex là luôn chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ, của các cơ quan Nhà nước và pháp luật.

Tuy nhiên, câu chuyện minh bạch không chỉ gồm sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp xăng dầu. Theo quan điểm của chúng tôi, minh bạch xăng dầu là kết quả cuối cùng của 5 yếu tố: Một là, thiết chế phải minh bạch. Hai là, vận hành phải toàn bộ. Ba là, công khai phải có địa chỉ. Bốn là, truyền thông phải chủ động, đúng lúc. Năm là, đánh giá cái gì cũng phải công tâm, khách quan.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!