Nghiêm Xuân Cường
Ngày 17/5/2023, tại Văn phòng TCT, Tòa nhà Mipec, Hà Nội, Tổng Công ty Gas Petrolimex – CTCP (PGC) đã tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 để tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022, thảo luận và tiến hành biểu quyết đối với kế hoạch năm 2023 và các nội dung quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của ĐHĐCĐ.
Toàn cảnh đại hội cổ đông năm 2023
Tham dự Đại hội, về phía Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam có Ông Phạm Văn Thanh – Chủ tịch HĐQT Tập Đoàn Xăng Dầu Việt Nam, ông Đặng Quang Tuấn – Trưởng ban Kiểm soát Tập Đoàn Xăng Dầu Việt Nam và đại diện lãnh đạo các Ban của Tập đoàn. Lãnh đạo PGC điều hành Đại hội gồm: Ông Nguyễn Quang Dũng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT); ông Nguyễn Hữu Quang – Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc. Tham gia cuộc họp còn có các Thành viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát (BKS), đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban, đơn vị trực thuộc và thành viên PGC. Số lượng cổ đông hoặc người đại diện cổ đông tham dự là 42 cổ đông; tương ứng với hơn 43 triệu cổ phần sở hữu hoặc đại diện, chiếm 71.72% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của PGC.
Đoàn chủ tịch điều hành đại hội cổ đông năm 2023
Tại Đại hội, PGC đã trình ĐHĐCĐ thảo luận và thông qua các tờ trình, bao gồm: Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022, Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, Phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và phân phối lợi nhuận năm 2023; Báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2022, phương hướng hoạt động năm 2023; Báo cáo hoạt động của Ban Kiểm soát (BKS) năm 2022, phương hướng hoạt động năm 2023, Đề xuất lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập năm 2023; Báo cáo thực hiện tiền lương, thu nhập năm 2022 và kế hoạch tiền lương, thu nhập năm 2023 của HĐQT và BKS.
Ông Nguyễn Hữu Quang - UV HĐQT, Tổng Giám Đốc PGC báo cáo tổng kết hoạt động SXKD năm 2022 và KH năm 2023
Năm 2022 là một năm ảm đạm với nền kinh tế toàn cầu nhưng theo nhận định của của nhiều định chế tài chính, nền kinh tế thế giới năm sau có thể diễn biến tệ hơn, thậm chí nhiều quốc gia có thể nguy cơ rơi vào suy thoái. Chính sách tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn nhằm kiềm chế lạm phát sẽ tiếp tục gây ra những tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, các rủi ro về địa chính trị, sự đối đầu giữa Nga và các nước phương Tây, chi phí năng lượng, khí đốt tăng cao tại Châu Âu, thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, … cũng góp phần làm trầm trọng thêm những khó khăn của kinh tế thế giới trong năm 2023.
Chiến tranh giữa Nga và Ukraina mà cao hơn là sự đối đầu về địa chính trị giữa các nước phương Tây và Nga đã khiến giá dầu thô biến động rất mạnh. Dưới ảnh hưởng đó, giá CP cũng biến động rất lớn trong các tháng đầu năm, cụ thể giá CP đạt đỉnh vào tháng 03/2022 với mức 950 USD/tấn và là mức giá cao nhất kể từ tháng 01/2014. Tuy nhiên, sau thời điểm đó giá CP lại giảm liên tiếp trong 6 tháng tiếp theo với tổng mức giảm lên tới 375 USD/tấn, gây thiệt hại lớn về chênh lệch giá hàng tồn kho cho các doanh nghiệp kinh doanh LPG.
Ông Nguyễn Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT PGCphát biểu tổng kết hoạt động của HĐQT năm 2022
Trong năm 2023, nền kinh tế nước ta được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động phức tạp của của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực. Cuộc chiến ở Ukraine, lãi suất quốc tế tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng ở Mỹ và Châu Âu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và làm tăng rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, về năng lực nội tại, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá tăng vẫn còn lớn và đang là thách thức đố với điều hành kinh tế vĩ mô.
Ông Kiều Văn Chiến - Trưởng ban kiểm soát PGC phát biểu tổng kết hoạt động của Ban Kiểm soát năm 2022
Bên cạnh những yếu tố khó khăn, nền kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức tài chính quốc đánh giá vẫn sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và là điểm sáng trong khu vực nhờ dịch Covid đã được kiểm soát hoàn toàn, kinh tế vĩ mô ổn định, dòng vốn FDI dồi dào trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài đang chuyển dịch chuỗi cung ứng …Quốc hội đã đề ra các chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 đô la Mỹ (USD). Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,0-6,0%. Ngành hàng LPG nói chung sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế trong nước. Thương hiệu Gas Petrolimex đã tạo được uy tín trên thị trường và được khách hàng, người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ. Hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư mở rộng như kho Thọ Quang, kho Nhà Bè… sẽ góp phần nâng cao hiệu suất và duy trì hình ảnh của Tổng công ty trước khách hàng.
Các cơ chế khoán, các chính sách kinh doanh của Tổng công ty ngày càng được sửa đổi, hoàn thiện sẽ phát huy tác dụng tích cực, tạo động lực cho người lao động trong cải thiện năng suất lao động và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tổng công ty luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam và các công ty xăng dầu trong ngành trong công tác phát triển thị trường LPG. Dư địa tăng trưởng cho LPG tại nước ta vẫn còn lớn bởi hiện nay LPG mới chỉ được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực đun nấu (nhà hàng, nhà dân) và lĩnh vực công nghiệp, còn nhiều tiềm năng phát triển LPG tại các lĩnh vực khác như làm nhiên liệu giao thông vận tải (auto gas), ứng dụng trong nông nghiệp, nguyên liệu hoá dầu … Mức sống của người dân ngày càng được cải thiện, vì vậy LPG ngày càng được sử dụng nhiều tại các vùng thị trường nông thôn, miền núi chứ không còn là sản phẩm xa xỉ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tăng sản lượng, mở rộng thị phần tại các vùng thị trường tiềm năng này.
Cổ đông tham gia ý kiến tại cuôc họp
Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 vẫn còn nhiều khó khăn, giá LPG có những biến động khó dự đoán gây ảnh hưởng bất lợi tới hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty, nhưng nhờ có sự chỉ đạo sát sao của HĐQT, kết quả sản xuất kinh doanh vẫn đảm bảo hoàn thành được kế hoạch đã ĐHCĐ giao. Tổng doanh thu thuần hàng hóa, dịch vụ đạt 4.014,35 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch và bằng 119% so với thực hiện năm 2021; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 160 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch và bằng 100% thực hiện năm 2021.
Ông Phạm Văn Thanh – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex phát biểu tại đại hội
Trên cơ sở đánh giá các nhân tố ảnh hưởng và kết quả kinh doanh năm 2023, PGC xây dựng kế hoạch năm 2023 với chỉ tiêu doanh thu 4.154 tỷ đồng bằng 104% thực hiện năm 2022, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 168 tỷ đồng bằng 105% thực hiện năm 2022, cổ tức tối thiểu 12%.
Về công tác nhân sự, ĐHĐCĐ năm 2023 đã thông qua đơn từ nhiệm tư cách Thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 của ông Nguyễn Quang Dũng. Đại hội tiến hành Bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2027. Theo đó ông Nguyễn Quang Định được đại hội tín nhiệm bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027. Ngay sau ĐHĐCĐ, các thành viên HĐQT đã tín nhiệm bầu ông Nguyễn Quang Định, Ủy viên HĐQT đảm nhận chức vụ chủ tịch HĐQT PGC nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Ông Phạm Văn Thanh – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex tặng hoa chúc mừng Ông Nguyễn Quang Định được bầu vào HĐQT PGC nhiệm kỳ 2022-2027
Ông Nguyễn Quang Định phát biểu cảm ơn đại hội đã tín nhiệm bầu vào HĐQT PGC nhiệm kỳ 2022-2027
Ông Nguyễn Hữu Quang - Tổng Gám đốc PGC tặng hoa tri ân ông Nguyễn Quang Dũng
Đại hội đồng cổ đông thường niên PGC năm 2023 đã kết thúc trong không khí tin tưởng và hiểu biết, thể hiện niềm tin của cổ đông vào những nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn tới.