Hội nghị Tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 tại Tổng công ty Gas Petrolimex

 Vũ Đào Tùng Phương

 Trưởng phòng KD
 11:29 SA @ Thứ Ba - 12 Tháng Giêng, 2021

Tham dự Hội nghị có các đồng chí đại diện lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PETROLIMEX), Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và Ban Tổng giám đốc Tổng Công ty Gas Petrolimex, đại diện lãnh đạo các Công ty TNHH thành viên, các Nhà máy/Chi nhánh LPG trực thuộc Tổng Công ty Gas Petrolimex, đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ Văn phòng Tổng Công ty, các Công ty TNHH thành viên và và các cán bộ, công nhân viên tiêu biêu tại các đơn vị thuộc Tổng Công ty Gas Petrolimex.

Hội nghị tổng kết công tác 2020 và triển khai nhiệm vụ 2021 Tổng Công ty Gas Petrolimex

Tại buổi tổng kết, Ông Vũ Hồng Khánh - UV HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty đại diện Tổng Công ty Gas Petrolimex - CTCP báo cáo công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2021.

Ông Vũ Hồng Khánh - UV HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty

Bối cảnh năm 2020

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề và khiến nhu cầu sử dụng LPG trong công nghiệp, nhà hàng, khách sạn, trường học…. trong nước giảm rất mạnh. Bên cạnh đó, Nghị định 100/2019-NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông cũng làm sụt giảm đáng kể nhu cầu sử dụng bình thương mại 45kg, 48kg cung cấp tại khối các nhà hàng, quán ăn .... trong khi mặt hàng này vốn là thế mạnh của Tổng công ty từ trước đến nay.

Giá CP bình quân năm 2020 bằng 400 USD/tấn, thấp hơn 38 USD/tấn so với cùng kỳ và là năm thứ hai liên tiếp giá CP giảm. Dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới nhu cầu sử dụng dầu mỏ, giá dầu thô giảm mạnh khiến giá CP lao dốc trong ba tháng đầu năm với mức giảm trên 300 USD/tấn, điều này khiến các công ty kinh doanh LPG trong nước bị thiệt hại nặng nề về chênh lệch giá hàng tồn kho trong quý 1/2020, sau đó hồi phục kể từ tháng 04/2020 và tăng liên tục trong 9 tháng cuối năm. Giá CP tiếp tục diễn biến phức tạp và rất khó dự đoán chính xác xu hướng trong dài hạn, cụ thể tại thời điểm đầu năm, các tạp thị trường đều đưa ra nhận định giá CP vẫn sẽ tiếp tục giảm tới hết quý 3/2020 và sẽ về sát ngưỡng 120 USD/tấn vào cuối quý này, tuy nhiên thực tế đã trái ngược với nhận định của hầu hết các tạp chí thị trường. Việc giá CP diễn biến phức tạp, khó dự đoán đang và sẽ gây nhiều khó khăn cho việc hoạch định chính sách kinh doanh của Tổng công ty trong dài hạn.

Thị trường LPG đầu ra tiếp tục chịu sự cạnh tranh gay gắt với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh gas với hàng trăm thương hiệu khác nhau. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong ngành hàng (hàng trộn chất lượng thấp, sang chiết nạp trái phép, chiếm dụng vỏ bình của nhau...) tiếp tục gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh gas nghiêm túc. Xu hướng chuyển đổi bếp điện-từ thay thế bếp gas tiếp tục là khó khăn rất lớn tại thị trường các thành phố lớn, đây sẽ là nhân tố bất lợi chính đối với kênh bán trực tiếp với hơn 100 cửa hàng trực thuộc Tổng Công ty tập trung chủ yếu tại các thành phố. Tại một số khu vực, việc phát triển các cửa hàng mới là rất khó khăn do các quy định của cơ quan quản lý địa phương. Thị trường kênh bán qua các đơn vị xăng dầu các tỉnh tại một số khu vực có sản lượng lớn đã đến mức bão hòa nên không thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong khi phát triển sản lượng tại kênh bán Tổng đại lý, đại lý ngoài ngành thiếu độ ổn định, bị cạnh tranh quyết liệt về cơ chế giá cùng nhiều hình thức cạnh tranh trực tiếp khác. Việc mua bán sáp nhập các đại lý trên thị trường diễn ra mạnh mẽ để hình thành các chuỗi cửa hàng bán lẻ, chuyên phân phối một số nhãn hiệu gas đã cạnh tranh trực tiếp đến các dạng kênh phân phối gas Petrolimex

Bên cạnh sự cạnh tranh trong nội bộ ngành, LPG còn chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nguồn nhiên liệu thay thế (khí thấp áp, CNG, bếp từ) gây khó khăn không nhỏ cho công tác phát triển thị phần của các doanh nghiệp kinh doanh gas trong đó có Tổng công ty, đặc biệt tại những thời điểm giá LPG tăng cao.

Các doanh nghiệp kinh doanh LPG nghiêm túc vẫn đang gặp phải những khó khăn do nhiều quy định, văn bản bất hợp lý của các cơ quan quản lý chuyên ngành, trong đó bao gồm các quy định không phù hợp về quản lý chất lượng, thủ tục hải quan đối với hàng gas nhập khẩu, quy định về kê khai giá yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai giá cho từng đối tượng khách hàng, phương thức mua bán và phải kê khai trước khi thay đổi giá bán (không phù hợp với nguyên tắc thị trường và khiến các doanh nghiệp bị động, mất thời cơ kinh doanh), quy định về ghi số seri chai khi xuất kho tại các nhà máy (không phù hợp với hoạt động thực tế của doanh nghiệp, phát sinh thêm nhân lực chỉ để ghi số seri)… Các doanh nghiệp kinh doanh LPG và Hiệp hội Gas đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Báo cáo công tác kinh doanh 2020 của Tổng Công ty

Đối với gas rời

Tổng công ty đã chủ động xây dựng chính sách giá bán linh hoạt cũng như tăng cường công tác dịch vụ kỹ thuật, nâng cao chất lượng khâu giao nhận vận tải ..., do đó đã giữ vững được các khách hàng truyền thống. Bên cạnh đó, với việc đẩy mạnh công tác tiếp thị tại các khu công nghiệp tập trung, Tổng công ty đã tìm kiếm và phát triển thêm được một số khách hàng mới góp phần bù đắp sản lượng thiếu hụt do các khách hàng cắt giảm sản xuất. Ngoài ra, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, sẽ không tránh khỏi tình trạng khó khăn về tình hình tài chính của khách hàng, thậm chí có đơn vị phải dừng sản xuất hoặc phá sản, do đó Tổng công ty đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn tài chính trong triển khai chính sách kinh doanh, không để phát sinh công nợ khó đòi.

Đối với gas bình

Xuất phát từ thực tế diễn biến thị trường, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, trong năm 2020 Tổng công ty đã cố gắng tập trung tối đa nguồn lực bán hàng để gia tăng sản lượng với các giải nhóm giải pháp sau:

  • Tổng công ty đã đánh giá tác động của tình hình cạnh tranh và ảnh hưởng của dịch bệnh cùng nghị định 100/2019. Đối với bình 12kg, Tổng công ty nhận định gas bình 12kg sẽ chỉ bị ảnh hưởng ở mức độ nhất định do đây là mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, vì vậy Tổng công ty vẫn đẩy mạnh bán hàng kênh bán lẻ trực tiếp, trong đó tập trung các chính sách đến nhóm khách dân dụng mua lẻ. Năm 2020, Tổng công ty đã áp dụng hình thức bán hàng qua tổng đài điện thoại đối với mạng lưới cửa hàng bán lẻ trên cơ sở hỗ trợ của phần mềm tại PGC Cần Thơ. Cách thức tổ chức bán hàng với phương châm: tập trung về quản lý điều hành và quản lý khách hàng, nâng cao hiệu quả lao động thống kê nhưng lại phân tán về điểm bán để đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ khách hàng. Các điểm bán sẽ được phát triển, mở rộng linh hoạt với chi phí thuê mặt bằng tối thiểu và tiết kiệm tối đa về lao động. Tại khối Văn phòng, Tổng công ty áp dụng hình thức bán hàng này tại chi nhánh gas Sơn La để khai thác các khu vực thị trường còn trống gas Petrolimex. Phương thức bán hàng đã khẳng định được sự phù hợp trong bối cảnh chi phí thuê mặt bằng ngày càng khó khăn, đắt đỏ, đảm bảo mở rộng được điểm bán với chi phí vận hành thấp, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng;
  • Đối với kênh bán qua các đơn vị xăng dầu, Tổng công ty cũng phân luồng các chương trình hỗ trợ phát triển bán lẻ trực tiếp đến các điểm bán là cửa hàng xăng dầu và cửa hàng chuyên doanh. Các chính sách như hỗ trợ xe máy, chiết khấu sản lượng, hỗ trợ biển hiệu cửa hàng, truyền thông quảng bá hình ảnh, hỗ trợ chi phí lao động bán hàng trực tiếp vẫn được Tổng công ty duy trì đối với các đơn vị xăng dầu như nhiều năm qua;
  • Đối với mặt hàng gas bình 48kg, đây là mặt hàng chiếm tỷ trọng tới 48,5% sản lượng gas bình và chịu tác động nặng nề bởi nghị định 100/2019-NĐ/CP và dịch Covid-19. Tuy vậy, Tổng công ty cũng đã đưa ra các giải pháp để hạn chế các tác động bất lợi của các yếu tố khách quan trên đây. Đối với khối khách hàng là nhà hàng, khách sạn, sản lượng bị suy giảm thì chú trọng công tác công nợ, đảm bảo duy trì giữ chân khách hàng. Đối với các nhóm khách sản xuất, Tổng Công ty tiếp tục đẩy mạnh tiếp thị, triển khai các chính sách bán hàng. Đặc biệt đối với khối khách hàng là các đơn vị hành chính sự nghiệp, quân đội, trường học, Tổng công ty vẫn thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển mới do đặc thù ổn định và an toàn tài chính của khối khách hàng này. Cơ chế hỗ trợ đối với khách hàng dùng bình 48kg được áp dụng cả trong kênh bán trực tiếp và kênh bán qua các đơn vị xăng dầu;
  • Đối với kênh đại lý ngoài ngành, Tổng công ty từng bước mở rộng mạng lưới và thúc đẩy phát triển kênh bán ngoài ngành. Ngoài việc triển khai các chính sách bán hàng đến Tổng đại lý, các đại lý trực tiếp mua hàng, Tổng công ty còn triển khai các chính sách mạnh hơn đến các đại lý bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng nhằm kiểm soát chắc hơn mạng lưới phân phối;
  • Đẩy mạnh các hoạt động PR, quảng cáo, thực hiện đa dạng hình thức quảng bá thương hiệu, chất lượng sản phẩm và dịch vụ vượt trội của Gas Petrolimex; tiếp tục chú trọng công tác chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái;

Phương hướng hoạt động năm 2021

Để hoàn thành các mục tiêu chủ yếu trên đây cũng như phục vụ cho việc phát triển trong những năm tiếp theo, Tổng công ty đề ra các giải pháp hoạt động trong năm 2021 đối với các lĩnh vực trong đó tập trung công tác kinh doanh

Đối với gas rời

Đánh giá chung, thị trường gas rời năm 2021 sẽ vẫn còn đối mặt với những khó khăn nhất định. Tình hình dịch bệnh covid vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, bên cạnh đó mức độ cạnh tranh giữa các hãng ngày càng tăng do việc các hãng đua nhau áp dụng chính sách giảm giá để giành giật khách hàng. Tuy nhiên, do khả năng kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, cùng với việc ổn định về chính trị, chính sách nên làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể sẽ tăng trong thời gian tới, do vậy Tổng công ty sẽ triển khai nhiều giải pháp để phát triển sản lượng gas rời, cụ thể:

  • Tích cực tìm kiếm, mở rộng thêm các khách hàng mới để gia tăng sản lượng xuất bán.
  • Tập trung tăng cường cải thiện chất lượng khâu dịch vụ kỹ thuật sau bán hàng, giao nhận vận tải, đặc biệt là công tác tự vận tải để nâng cao hình ảnh, uy tín của Tổng công ty nhằm giữ vững và phát triển khách hàng.
  • Áp dụng cơ chế giá bán linh hoạt đối với từng đối tượng khách hàng trên cơ sở gia tăng sản lượng gắn với an toàn tài chính, chính sách bán hàng bám sát mục tiêu đảm bảo an toàn tài chính và có giá trị gia tăng.
  • Đối với kênh bán qua các công ty xăng dầu, tiếp tục duy trì hợp tác và hỗ trợ toàn diện với các đơn vị để phát huy lợi thế sẵn có thương hiệu Petrolimex nhằm mở rộng bán gas công nghiệp cho các khách hàng trên địa bàn các tỉnh.

Đối với gas bình:

  • Đối với kênh trực tiếp, Tổng công ty tiếp tục chỉ đạo việc phát triển mở rộng mạng lưới, thúc đẩy tăng sản lượng và hiệu quả bán hàng của các cửa hàng mới mở; đẩy mạnh triển khai hình thức bán hàng qua điện thoại tổng đài; tiếp tục nhiên cứu các hình thức bán hàng trong bối cảnh hành vi tiêu dùng có nhiều thay đổi trong xu thế phát triển của công nghệ 4.0 (bán hàng qua ứng dụng smatphone, qua trang website, qua mạng xã hội …)
  • Bám sát diễn biến thị trường, phối hợp hỗ trợ kịp thời các đơn vị xăng dầu trong việc giữ vững và phát triển thị trường bằng các hình thức đa dạng phù hợp với từng khu vực thị trường; hỗ trợ phần mềm bán hàng qua Tổng đài điện thoại một số đơn vị xăng dầu phía bắc;
  • Đối với kênh đại lý ngoài ngành, trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được và một số tồn tại cần khắc phục, Tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai xây dựng các chính sách bán hàng phù hợp nhằm khai thác tối đa lợi thế của kênh bán trên thị trường song song với nâng cao hiệu quả của kênh bán.
  • Chú trọng công tác chống gian lận thương mại, phối hợp cùng với các cơ quan chức năng, các đơn vị kinh doanh gas khác chống các hiện tượng làm hàng giả, hàng nhái;

Lãnh đạo tập đoàn xăng dầu Petrolimex phát biểu chỉ đạo

Ông Trần Ngọc Năm - UV HDQT, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phát biểu chỉ đạo

Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Gas Petrolimex

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Nguồn:   PGC